Theo tiến sĩ Quách Tuấn Ngọc - Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (CNTT) Bộ GD-ĐT, hiện nay việc giảng dạy chủ yếu tại VN là lên lớp theo phương pháp truyền thống với phấn và bảng, thầy thuyết giảng một chiều, độc thoại. Nhược điểm lớn của phương pháp này là lãng phí rất nhiều thời gian chép bài của cả thầy và trò.
Theo quan điểm của tiến sĩ Quách Tuấn Ngọc, ứng dụng CNTT vào dạy và học, nói cách khác, là đổi mới phương pháp giảng dạy bằng CNTT, là xu thế tất yếu của thời đại mới.
Khẩu hiệu của giáo dục trong tương lai gần sẽ là “học ở mọi nơi, học ở mọi lúc, học suốt đời và dạy cho mọi người với mọi trình độ khác nhau”. Vì vậy việc sử dụng cả phương pháp truyền thống (bài giảng, sách giáo khoa, giáo trình, cùng bài tập trên lớp, bài tập về nhà) lẫn công nghệ mới (phim chiếu giảng bài, phần mềm hỗ trợ bài giảng, minh họa trên lớp, trao đổi giữa thầy và trò qua mạng Internet) sẽ đem lại cho việc dạy và học một hiệu quả không ngờ.
Giáo sư Vũ Văn Tảo, nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cũng nhất trí với quan điểm này. Giáo sư cho rằng việc sử dụng máy tính như một công cụ làm việc trong quá trình học tập sẽ “cá nhân hóa” quá trình học, việc học của mỗi cá nhân sẽ tiến hành trên cơ sở “cầu” chứ không phải cơ sở “cung”. Đồng thời, giáo viên cũng có thể sử dụng máy tính để giảng dạy phù hợp với năng lực và khuynh hướng của từng học sinh. Có thể sử dụng nhiều con đường mới hơn, hiệu quả hơn để cải tiến hoặc thay thế những phương pháp giảng dạy truyền thống không còn phù hợp.
Vẫn theo tiến sĩ Quách Tuấn Ngọc, bước đổi mới đầu tiên là dạy tin học phải gắn liền với thực hành trên máy tính. Tin học là môn học không có tính tuần tự tuyến tính, dạy và học tin học có thể bằng con đường nhảy cóc, học tắt, học truyền khẩu. Chúng ta cần chấp nhận mọi phương thức dạy và học tin học, xã hội hóa quá trình học tin học, miễn sao học sinh có thể tiếp thu chương trình chứ không câu nệ vào việc dựng bài vở và chương trình chính khóa. Nếu học sinh có điều kiện học ở các trung tâm ngoài phố, câu lạc bộ hay thậm chí tại gia đình, nhà trường hoàn toàn nên khuyến khích.